Phước Thuận: Phối hợp tổ chức tập huấn bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Bả trạo
Từ ngày 13 - 15/12, tại thôn Bình Thái xã Phước Thuận, Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước tổ chức lớp tập huấn bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Bả trạo trên địa bàn xã cho 45 học viên là nghệ nhân, ngư dân và thanh niên trên địa bàn hai thôn Bình Thái và Nhân Ân.

Quang cảnh buổi khai mạc lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được giới thiệu sơ lược về nghệ thuật hát Bả trạo trong lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là lễ hội Nghinh Ông); hướng dẫn các học viên nắm bắt các làn điệu; giới thiệu về vật dụng, trang phục, nhạc cụ dân tộc, cách trang điểm các nhân vật trong nghệ thuật hát Bả trạo. Cũng trong chương trình tập huấn, các học viên đã được các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian và 04 “Tổng” (Tổng Thương, Tổng Sanh, Tổng Lái, Tổng Cờ) hướng dẫn cách trình diễn của 04 nhân vật “Tổng”, các nhân vật Bồ Hổ, Lồng Đèn và con Trạo.

Trao chứng nhận cho học viên hoàn thành chương trình tập huấn
Kết thúc lớp tập huấn, Ban tổ chức đã trao 45 giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn, trong đó có 05 học viên đạt loại Xuất sắc.
Hát Bả trạo (hay còn gọi là Chèo Bả trạo, Chèo đưa linh, Hò đưa linh, Hò hầu linh) là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang đậm tính nghi lễ của cư dân vùng biển Trung bộ mà cụ thể là từ Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) cho đến Bình Thuận. Nội dung và ý nghĩa của hò Bả trạo là cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu trời yên biển lặng, ngư dân được mùa thu hoạch, thể hiện bản sắc văn hóa đặc thù miền biển, sự đồng tâm đồng lòng tương thân tương ái của ngư dân miền biển, thể hiện phương ngữ, thổ ngữ đặc trưng vùng miền. Bên cạnh đó thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của cộng đồng ngư dân miền biển đối với cá Ông đã giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng gió, những tai ương trên biển. Đồng thời cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó là hò và chèo. Hát Bả trạo là Nghệ thuật trình diễn dân gian được Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được công nhận chính thức vào ngày 09/09/2013./.
Tác giả: Bùi Sinh
Ngày đăng: 16/12/2024 - 16:11